THỊ TRẤN YÊN NINH, HUYỆN YÊN KHÁNH, TỈNH NINH BÌNH
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI
* Vị trí địa lý: Thị trấn Yên Ninh là trung tâm kinh tế - chính trị
- văn hoá của huyện Yên Khánh. Thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 03/6/2009
của Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính của thị trấn Yên Ninh, trên
cơ sở hợp nhất xã Khánh Ninh với thị trấn Yên Ninh chính thức đi vào hoạt động
từ 01/9/2009, có vị trí địa lý
cụ thể:
- Phía Bắc giáp xã Khánh
Vân, Khánh Hải.
- Phía Nam giáp xã Khánh
Hồng, Khánh Nhạc.
- Phía Đông giáp xã Khánh
Hải, Khánh Hội.
- Phía Tây giáp xã Khánh
Vân và sông Vạc.
* Tài nguyên: Diện tích tự nhiên là 803,11 ha
- Tổng
diện tích đất nông nghiệp là 502,9 ha. Trong đó đất trồng lúa 290,96 ha, đất
màu 110,22 ha, đất vườn trong khu dân cư 28 ha, đất mặt nước 64,32 ha. Đất phi
nông nghiệp 293,26 ha.
- Thị
trấn Yên Ninh có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi có Quốc lộ 10, tỉnh lộ
483, 480B chạy qua. Giao thông đường thủy khá thuận lợi, sông Vạc chạy dọc phía
Tây thị trấn là ranh giới giữa huyện Yên Khánh với huyện Yên Mô. Sông Mới (sông
Cầu Thượng) nối liền sông Vạc với sông Đáy, ranh giới giữa thị trấn với các xã
Khánh Hồng, xã Khánh Nhạc, xã Khánh Hội.
* Đặc điểm kinh tế - xã hội
- Thị
trấn Yên Ninh là địa bàn trung tâm kinh tế, chính trị của huyện Yên Khánh, với
diện tích tự nhiên 803,11ha; có tuyến đường trục chính Lê Thánh Tông qua
địa bàn dài 3,2km, 02 tuyến đường liên huyện, 07 tuyến đường liên xã và 2 tuyến
đê Sông Vạc, đê sông Mới dài 9,49km.
Thị trấn Yên Ninh có số hộ 4.503, số khẩu
15.920, sinh sống làm việc ở 20 tổ dân phố, chủ yếu là dân tộc Kinh. Nhân dân
chủ yếu thờ cúng, theo tín ngưỡng dân gian và theo đạo Phật, một số ít người
theo đạo Công giáo. Trên địa bàn thị trấn Yên Ninh có chùa Mai Hoa, chùa Quán, chùa
Tây, chùa Bi, chùa Khang Giang; đền Nội, đền Triệu Việt Vương và một số miếu.
Có một nhà thờ họ đạo Công giáo ở Phúc Giang. Đảng bộ có 29 chi bộ với 905 đảng viên, trong đó có 20 chi bộ tổ dân phố,
05 chi bộ trường học, 01 chi bộ y tế, 01 chi bộ công an, 01 chi bộ công ty
Vương Đô, 01 chi bộ quỹ tín dụng.
Từ
khi được công nhận là thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2018, thu nhập của
nhân dân không ngừng tăng lên trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt
trên 21% trở lên. Trong đó, thương mại dịch vụ 58,6%, TTCN 34,4%, Nông nghiệp
7,0%. Tỉ lệ lao động được qua
đào tạo nghề đạt trên 68% số người trong độ tuổi lao động. Là địa bàn có lợi thế để phát triển dịch vụ, thương mại;
với gần 60 cơ quan, doanh nghiệp; 01 chợ hạng 3, bến xe khách, cụm công nghiệp, bệnh viện ;
làng nghề vv, có 02 HTX
dịch vụ nông nghiệp, 01 HTX dịch vụ môi trường. Toàn thị trấn có trên 500 hộ
kinh doanh và hoạt động dịch vụ.
Là
địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Trong những năm qua Đảng
bộ và nhân dân thị trấn Yên Ninh luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, cần cù,
chịu khó, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức triển khai thực hiện
tốt chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà
nước, thực hiện có hiệu quả mọi mục tiêu phát triển kinh tế - chính trị, văn
hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng, đặc biệt là mục tiêu xây dựng thị trấn đạt
chuẩn đô thị văn minh.
II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THỊ TRẤN
YÊN NINH
Vùng đất nơi đây, trước thế kỷ thứ X còn là vùng đất ngập mặn bởi nước biển.
Nhờ phù sa bồi đắp dần dần nước biển rút ra xa, nhưng doi đất hình thành xen kỹ
lạch nước thu hút nhiều người các vùng lân cận đến sinh sống lập nghiệp. Cuối
thế kỷ thứ X, một số người trong dòng họ Phạm cùng Thái úy Phạm Cự Lượng về lập
nên xóm Mòi. Đến thế kỷ XIV, nhiều người dòng họ Lại, cùng một số người họ khác
về đây sinh sống lập nghiệp. Đến Thời Lê, niên hiệu Hồng Đức thứ 2 (1471) khi
đất bồi đã rộng, vua Lê Thánh Tông cho đắp đê từ cửa biển Đại Na (vùng đất xã
Khánh Cường ngày nay) đến Tiểu Na (vùng đất xã Yên Lâm, huyện Yên Mô ngày nay)
để ngăn nước mặn cải tạo đất cho dân cày cấy sinh cơ, lập nghiệp. Từ khi có đê
Hồng Đức, nhiều làng xã mới được xây dựng dọc theo kênh rạch, doi đất. Vùng đất
thị trấn Yên Ninh thời kỳ này vẫn là những doi đất bồi xen kẽ lạch nước. Một số
dân trong cùng đến làm nghề chài lưới, bắt cá sinh sống, dần dần định cư cải
tạo đất sản xuất lập nghiệp hình thành làng, xóm dân cư. Làng Khương Thượng
ngày nay vẫn còn lưu truyền tên “Xóm Bến”.
Từ
năm 1906, thị trấn Yên Ninh gồm xã Yên Ninh (tổng Yên Ninh) và xã Khương Thượng
(tổng Yên Vân). Năm 1946, huyện Yên Khánh tổ chức thành 20 xã, xã Khang Ninh
(thị trấn Yên Ninh ngày nay) gồm có thông Khương Thượng (xã cũ), thôn Yên Ninh
(xã cũ), xóm Hà Đông, xóm Cống Duyên. Năm 1948, Yên Khánh điều chỉnh lại một số
đơn vị hành chính; xã Khang Ninh gồm thôn Yên Ninh và thôn Khương Thượng. Xóm
Cống Duyên sáp nhập vào xã cống thủy. Xóm Hà Đông sắp nhập vào xã Vân Hải.
Tháng
7/1949, huyện Yên Khánh từ 20 xã, hợp lại còn 07 xã, xã Khang Ninh và xã Phúc
Nhạc hợp nhất thành xã Khánh Ninh. Địa danh Khánh Ninh có từ tháng 7/1949. Giữa
năm 1956, huyện Yên Khánh tổ chức lại địa giới hành chính cấp xa, từ 7 xã thành
21 xã. Thôn Phúc nhạc (xã Khánh Ninh) tách khỏi xã Khánh Ninh thành lập xã
Khánh Nhạc. Thôn Khang Ninh (xã Khánh Ninh) giữ nguyên tên là xã Khánh Ninh.
Năm 1961, huyện Yên Khánh có 19 xã. Thực hiện quyết định 66/CP ngày 17/5/1961
của Chính phủ xóm Khang Giang và Phúc Giang xã Yên Lạc sáp nhập vào thôn Khương
Thượng xã Khánh Ninh. Thôn Khương Thượng đổi tên thành thôn Khang Thượng thuộc
xã Khánh Ninh. Năm 1961, xã Khánh Ninh diện tích gần 9 km2 đất tự
nhiên, dân số 9523 người, tỏng đó có 93 người theo đạo Công giáo chủ yếu là ở
Phúc Giang. Xã Khánh Ninh có 2 thôn: thông Yên Ninh và thôn Khang Thượng; thôn
Yên Ninh có các lân (xóm): Thị Lân, Trung Lân, Bàng Lân, Thượng Lân (Thượng
Đông, Thượng Tây). Thôn Khanh Thượng, trước năm 1945: làng Khương Thượng có các
xóm: xóm Mè, xóm Hào, xóm Bến, xóm Cán Cờ, xóm Xốc, xóm Viềng, xóm Song, xóm Đông,
xóm Tây, xóm Hàng Dầu, xóm Chợ, xóm Mòi. Đến năm 1961, thôn Khang Thượng được
tổ chức thành các khu: Khu Đông, Khu Trung, Khu Tây và xóm Khang Giang, Phúc
Giang. Năm 1996, thực hiện Nghị định 69/CP ngày 02/11/1996 huyện Yên Khánh
thành lập thị trấn Yên Ninh gồm: 247,41 ha đất và 5419 khẩu của xã Khánh Ninh;
7,27 ha đất và 213 khẩu của xã Khánh Vân, 3,63 ha đất xã Khánh Hải; 9,81 ha đất
và 164 khẩu của xã Khánh Nhạc.
Thị
trấn Yên Ninh có tổng diện tích 268,12 ha với 5796 khẩu. Sau khi thành lập thị
trấn Yên Ninh, xã Khánh Ninh có 532,14 ha đất và 6.596 khẩu. Năm 2009, thực
hiện Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa
giới hành chính mở rộng thị trấn Yên Ninh. Xã Khánh Ninh và thị trấn Yên Ninh
hợp nhất thành thị trấn Yên Ninh và đi vào hoạt động từ ngày 20/7/2009.
Ngày nay, thị trấn Yên Ninh được phân bổ thành 20 tổ dân phố: Tổ dân phố 1A,
1B, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, Thượng Đông, Thượng Tây, Cầu Rào, Mai Hoa, Bàng Lân,
Trung Lân, Thị Lân, Khu Đông, Khu Trung, Khu Tây, Nam Giang.