Kế hoạch về việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thị trấn Yên Ninh

ỦY BAN NHÂN DÂN

THỊ TRẤN YÊN NINH

 

 


Số: 20/KH-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 


Yên Ninh, ngày 29 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

Phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thị trấn

 

 


Thực hiện kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 28/10/2020 của UBND huyện Yên Khánh về việc phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Yên Khánh. UBND thị trấn Yên Ninh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thị trấn Yên Ninh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn thông qua kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, phương tiện đi lại và phượng tiện vận chuyển lợn, sản phẩm lợn vào thị trấn.

- Chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để xử lý triệt để không để lây lan ra diện rộng.

- Giảm thiếu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do buộc phải tiêu hủy lợn và các sản phẩm lợn với số lượng lớn.

- Các tổ dân phố và người dân tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện sớm các ổ dịch tả lợn Châu Phi; 100% ổ dịch trên đàn lợn có dấu hiệu mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện, báo cáo cho chính quyền, cán bộ thú y kịp thời.

- Kiên quyết, kịp thời tổ chức tiêu hủy đàn lợn bị Dịch tả lợn Châu Phi (nếu có) theo đúng quy định hiện hành. áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả cao nhất, quản lý chặt chẽ các ổ dịch (nếu có), ngăn chặn không để mầm bệnh phát tán, lây lan ra diện rộng.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Trước khi dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn

1.1 Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi

Kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng chính phủ quy định về việc thành lập và tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp. Phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên của Ban chỉ đạo để chỉ đạo, triển khai phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có hiệu quả. UBND mua vôi bột cấp phát tới các hộ chăn nuôi để hỗ trợ thêm cho việc tăng cường khử trùng tiêu độc.

1.2. Tổ chức thông tin tuyên truyền về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

- Tuyên truyền rộng rãi trên trang thông tin điện tử thị trấn, đài truyền thanh về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp phòng, chống. Thực hiện nghiêm “5 không” trong phòng, chống dịch: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn.

- Chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp thông tin, tuyên truyền, thực hiện phương châm “phòng dịch như chống dịch”, “Chống dịch như chống giặc”. Tránh để người dân hoang mang, giấu dịch, giết mổ và chạy lợn bị bệnh ốm, chết.

1.3 Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh

- Phối hợ với các ngành chức năng của huyện kiểm tra, giám sát các tụ điểm kinh doanh, vận chuyển lợn; các phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn ra vào địa bàn thị trấn qua địa bàn giáp ranh. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Công chức địa chính xây dựng đô thị và môi trường, cán bộ thú y tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn; phát hiện, báo cáo kịp thời, phối hợp lấy mẫu xét nghiệm đàn lợn nuôi nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các cơ sở chăn nuôi, trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi.

- Người chăn nuôi lợn phải thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo qui định, khi có nghi ngờ xuất hiện dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải kịp thời báo cáo cho thú y cơ sở, ủy ban thị trấn để kiểm tra, xử lý không được giấu dịch, không được giết mổ và bán chạy lợn ốm.

1.4. Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Do Dịch tả lợn Châu Phi hiện nay không có vắc xin phòng bệnh nên các cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi lợn chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau đây: áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, phát quang bụi rậm, chặt tỉa cây cối, khơi thông cống rãnh, quét dọn chuồng trại, định kỳ, thường xuyên phun hóa chất sát trùng, tiêu độc xung quanh chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, thường xuyên kiểm tra theo dõi đàn lợn nếu phát hiện hoặc nghi ngờ lợn bị bệnh dịch tả Châu Phi phải báo ngay cho thú y viên hoặc tổ trưởng tổ dân phố để xử lý kịp thời.

2. Khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Khi dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, yêu cầu các ngành và người chăn nuôi thực hiện các biện pháp sau:

2.1. Tổ chức xử lý ổ dịch.

a. Tiêu hủy lợn mắc bệnh nghi mắc bệnh

- Trước khi có kết quả xét nghiệm phải tổ chức giám sát chặt chẽ ổ dịch không để người dân giết mổ, bán chạy lợn ốm, chết. Không di chuyển lợn ốm sang địa điểm chăn nuôi khác.

- Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi cấm điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh và tổ chức khoanh vùng và tiến hành tiêu hủy lợn bệnh ngay:

+ Trường hợp 01 ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt hoặc chợ, điểm buôn bán lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn thì tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24h kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp trong vòng 48h tiêu hủy ngày đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán lây lan ra diện rộng. Đối với trang trại, gia trại chăn nuôi số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt chỉ tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dãy chuồng có lợn bệnh; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ, nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lấy nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.

+ Đối với trường hợp nhiều hộ chăn nuôi không liển kề có lợn xét nghiệm có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24h kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các đàn lợn còn lại của các hộ, cơ sở chăn nuôi nếu có triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả lợn châu Phi thì tiêu hủy tất cả ngay không cần xét nghiệm.

- Hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn, sản phẩm từ lợn buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi thoe quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ và Quyết định 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các bước tiêu hủy lợn bệnh, nghi bệnh dịch tả lợn Châu Phi được hướng dẫn chi tiết theo qui định phụ lực 06 thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

b. Khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc khử trùng

- Ngay lập tức tiến hành khoanh vùng ổ dịch tại các trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi gia đình nơi phát hiện có vi rút Dịch tả lợn Châu Phi, triển khai đồng bộ các biện pháp tiêu độc khử trùng. Triệt để huy động mọi nguồn lực hỗ trợ công tác chống dịch.

- Nơi có ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 01 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Sử dụng hóa chất có chất sát khuẩn cao như vôi bột, dung dịch khử trùng chuyên dụng để rắc, phun tiêu độc khử trùng tại các hộ bị dịch và khu vực xung quanh với bán kính cách nơi phát hiện vi rút Dịch tả lợn châu Phi ít nhất 01 km.

- Khu vực gần ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 01 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và phối hợp lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn châu Phi.

- Việc khử trùng tiêu độc theo quy định tại phụ lục 08 thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c. Giám sát dịch bệnh

- Giao cho phố trưởng phối hợp với thú y Thị trấn tổ chức giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi lợn xung quanh các hộ có dịch, tiếp tục điều tra thông tin dịch bệnh, cập nhật báo cáo số liệu chi tiết, diễn biến lợn ốm chết về UBND thị trấn.

2.2 Lập chốt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn

- Nghiêm cấm vận chuyển và các sản phẩm lợn ra vào địa bàn, từ vùng có dịch vào địa bàn. Căn cứ tình hình thực tế diễn biến của bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở lợn trên địa bàn. UBND thị trấn thành lập đội kiểm tra, giám sát di động trên địa bàn.

- Cấm vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào địa bàn, từ vùng có dịch vào địa bàn để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

- Cơ sở chăn nuôi trong địa bàn, từ vùng có dịch đã được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” đối với các bệnh khác, có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan Thú y sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

- Phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân tham gia giám sát và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định đối với đàn lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi và vệ sinh khử trùng tiêu độc theo đúng quy định.

2.3 Quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch

- Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh, đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và có quyết định công bố bãi bỏ dịch của cơ quan có thẩm quyền công bố dịch trước đó. Cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.

- Tăng cường chỉ đạo thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.

- Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

3. Kinh phí sử dụng cho phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

3.1. Ngân sách thị trấn

- Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo thị trấn.

- Bố trí kinh phí mua vôi bột, hóa chất tiêu độc, khử trùng phục vụ công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công chức địa chính xây dựng đô thị và môi trường; cán bộ thú y

- Tham mưu UBND thị trấn ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn.

- Cập nhật tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; phương pháp xử lý đàn lợn mắc bệnh và phối hợp lấy mẫu giám sát dịch bệnh.

- Tham mưu cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, dụng cụ và nguyên vật liệu để tổ chức xử lý, chống dịch bệnh lây lan.

- Phối hợp với công chức Văn hóa thông tin tổ chức thông tin, tuyên truyền trên đài truyền thanh thị trấn về việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

2. Công an thị trấn

- Chủ trì, chỉ đạo lực lượng điều tra, theo dõi nắm bắt tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; phối hợp kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn trên địa bàn; phát hiện, tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

- Cử lực lượng tham gia các tổ kiểm dịch động vật tại vùng dịch, vùng dịch bị uy hiếp và vùng đệm khi có dịch xảy ra.

3. Công chức tài chính kế toán

Tham mưu đề xuất nguồn kinh phí phục vụ kịp thời các hoạt động phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả.

4. Công chức Văn hóa thông tin thể thao

Phối hợp với công chức địa chính xây dựng đô thị và môi trường, nhân viên thú y đưa tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh; nêu rõ tác hại của việc sử dụng động vật không rõ nguồn gốc gây nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; thông tin các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Thông báo mức hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo quy định của UBND tỉnh. Cập nhật hàng ngày thông tin về tình hình dịch bệnh trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã.

5. Các tổ chức chính trị xã hội, các đồng chí Tổ trưởng tổ dân phố: tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các hộ gia đình chủ các trang trại, gia trại thực hiện tốt các nội dung trong kế hoạch, góp phần phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thị trấn. UBND thị trấn đề nghị các ngành, các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./

Nơi nhận:

- UBND huyện

- Phòng NN&PTNT huyện;

- Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện;

- Thường trực Đảng ủy thị trấn;

- Thường trực HĐND thị trấn;

- Lãnh đạo UBND thị trấn;

- Đài truyền thanh Thị trấn;

- Cán bộ thú y;

- Các đơn vị tổ dân phố;

- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

(đã ký)

 

Lại Việt Hùng


  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập