Kế thừa, phát huy thành tựu sau 30 năm tái lập, chung sức, đồng lòng xây dựng huyện Yên Khánh giàu mạnh, văn minh

Cách đây tròn 30 năm, sau 17 năm chia tách, ngày 1/9/1994, huyện Yên Khánh được tái lập và đi vào hoạt động theo Nghị định số 59/NĐ-CP, ngày 04/07/1994 của Chính phủ. Đây là mốc son đánh dấu sự kiện chính trị trọng đại trong đời sống nhân dân địa phương.

30 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành phố, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Yên Khánh đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thử thách, kế thừa và phát huy truyền thống Anh hùng cách mạng của quê hương, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, tạo thế và lực để Yên Khánh bứt phá đi lên trong giai đoạn mới.

Những ngày đầu tái lập huyện, kinh tế-xã hội của huyện gặp nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tới 82%) nhưng trình độ thâm canh lạc hậu, sản xuất manh mún, năng suất thấp, giá trị trên 1ha canh tác chỉ đạt 18 triệu đồng/ha/năm. Cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, giao thông, trường học, bệnh viện, trạm y tế xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ thiếu và không đồng bộ; hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao…

Trong bộn bề khó khăn của buổi đầu tái lập huyện, kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, toàn Đảng bộ đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt và yêu cầu đặt ra là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo bước đi vững chắc. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của huyện với quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đó là: Phát huy dân chủ, đoàn kết, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; coi trọng phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa-xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân...

Đặc biệt, sau 8 năm (2011-2018) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, huyện Yên Khánh đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM (hoàn thành sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII). Không dừng lại ở đó, xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc nên ngay sau khi hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, huyện Yên Khánh tiếp tục tập trung khơi dậy nguồn lực trong nhân dân, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của tỉnh, của Trung ương và của các ngành, địa phương để giữ vững, nâng cao các tiêu chí NTM, tiếp tục phát động phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai, thực hiện và nhân ra diện rộng; quy chế dân chủ được phát huy cao, tạo thành phong trào thi đua thiết thực, có sức lan tỏa cao, chủ động phát huy nội lực, chú trọng thu hút và huy động ngoại lực, sự hỗ trợ của con em quê hương. Sau 5 năm triển khai thực hiện, huyện Yên Khánh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Yên Khánh tự hào là địa phương đầu tiên của tỉnh Ninh Bình và là huyện thứ tư trong cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Thành quả nổi bật là sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, tạo chuỗi giá trị liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình, cách làm mới sáng tạo, mang tính đột phá được triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả; đã xây dựng thương hiệu các phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Toàn huyện hiện có trên 277 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có 16 mô hình cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi, đến nay 100% diện tích làm đất bằng máy; có 25 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên. Nông nghiệp Yên Khánh đã từng bước phát triển toàn diện, trở thành huyện đứng đầu tỉnh về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

 

anh tin bai

 

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ được tập trung đẩy mạnh. Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành, lĩnh vực thân thiện với môi trường, gắn với nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả. Trên địa bàn huyện có 2 KCN và 2 CCN, 7 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Các KCN, CCN đã duy trì việc làm thường xuyên cho hơn 20.000 lao động trong và ngoài huyện. Năm 2023, doanh thu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 18,8 nghìn tỷ đồng/năm; doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt trên 9 nghìn tỷ đồng/năm; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện đạt hơn 3,5 nghìn tỷ đồng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng, xã hội được quy hoạch, nâng cấp, xây mới đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính liên thông kết nối vùng, liên vùng. Trên địa bàn huyện có đường cao tốc Bắc-Nam chạy qua, cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng đang được đầu tư; hệ thống đường thủy, cảng, bến thủy nội địa và hệ thống đường giao thông được đầu tư mới, mở rộng; các đường liên thôn, liên xã được nâng cấp 100% nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định; lắp đặt 250 km đường điện chiếu sáng, trồng 203 km đường hoa, cây xanh trên các trục đường và ở các khu dân cư tạo cảnh quan sáng-xanh-sạch-đẹp. Nợ xây dựng cơ bản được tập trung xử lý giải quyết dứt điểm, đến nay huyện không có nợ xây dựng cơ bản đối với các công trình do huyện làm chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách cấp huyện.

Yên Khánh được biết đến là vùng đất hiếu học, tôn sư trọng đạo, có bề dày thành tích khoa bảng, nhiều người đỗ đạt, trở thành "cây nêu văn học", "núi cao, sao sáng của nho lưu". Tự hào với truyền thống của quê hương, cùng với chăm lo phát triển kinh tế, huyện Yên Khánh đã tăng cường đầu tư cho phát triển giáo dục, văn hóa, y tế. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất về y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi, giải trí và sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội.


anh tin bai

 

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm, chú trọng và đạt nhiều kết quả nổi bật: Chất lượng giáo dục luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng trong 5 năm gần đây đều đạt trên 65%. Yên Khánh là đơn vị đầu tiên của tỉnh xây dựng trường trọng điểm theo hướng chất lượng cao. Toàn huyện có 64/64 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 51/64 trường đạt chuẩn mức độ 2, đạt 79,7%; 3/3 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia. Trường THPT Yên Khánh A được phong tặng danh hiệu "Anh hùng thời kỳ đổi mới", đạt danh hiệu "Biểu tượng vàng nguồn nhân lực Việt Nam". Công tác khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đẩy mạnh; các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư, nâng cấp; phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT ở cơ sở phát triển mạnh mẽ với hàng trăm câu lạc bộ nghệ thuật ở cơ sở; góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định. 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên; trên 95,02% người dân tham gia BHYT, tăng gần 10% so với năm 2018; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 8,6%. Toàn huyện có 19/19 xã, thị trấn có nhà văn hóa và khu thể thao, 98,9% thôn, xóm, phố có nhà văn hóa; 96,6% thôn, xóm, phố được công nhận thôn, xóm, phố văn hóa; 93,1% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 84,5% cơ quan, đơn vị được công nhận cơ quan, đơn vị văn hóa.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân được đặc biệt chú trọng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, góp phần giữ vững ổn định tình hình tư tưởng, củng cố niềm tin, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Công tác cán bộ đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định, từ việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đến thực hiện chính sách đối với cán bộ. Chất lượng cán bộ ngày càng được nâng lên. Công tác kiểm tra giám sát được tăng cường, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. Công tác dân vận được đổi mới với nhiều hoạt động hướng về cơ sở, gần dân, sát với yêu cầu thực tiễn. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên. Đảng bộ huyện không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đến nay, Đảng bộ huyện có 60 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với trên 9.600 đảng viên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Dân chủ được phát huy, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, mở rộng. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.

Sau 30 năm tái lập, hòa cùng sự phát triển của tỉnh Ninh Bình, huyện Yên Khánh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng cao. Giai đoạn từ năm 2018-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện tương đối cao và ổn định so với mặt bằng chung của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Năm 2023, cơ cấu kinh tế của huyện gồm: Tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10,7% trong tổng cơ cấu nền kinh tế của huyện (giảm 71,3% so với năm đầu tái lập huyện); tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng cao, chiếm 69,2%; thương mại-dịch vụ chiếm 20,1%. Năm 2023, giá trị sản xuất nông lâm-thủy sản đạt 168 triệu đồng/ha, cao hơn bình quân chung của tỉnh (155 triệu đồng/ha), tăng 24% so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn huyện theo tiêu chí NTM giảm còn 1,04%.

30 năm-quãng thời gian không dài so với lịch sử phát triển của huyện Yên Khánh, song lại là thời kỳ đánh dấu sự phát triển vượt bậc, toàn diện của Yên Khánh trong thời đại mới. Huyện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Ba, Anh hùng lao động; Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2011-2015; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua; Đảng bộ huyện Yên Khánh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình tặng Cờ thi đua xuất sắc trong nhiệm kỳ 2015-2020, được vinh danh toàn quốc dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân huyện Yên Khánh đã đạt được trong 30 năm qua trước hết bắt nguồn từ việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương. Đồng thời là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, sự cổ vũ động viên và ủng hộ của các huyện, thành phố trong tỉnh; là sự đóng góp tâm sức, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo cùng tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện; là tinh thần hướng về nguồn cội để tri ân của con em quê hương Yên Khánh thân yêu trên mọi miền Tổ quốc. Những thành tựu, kết quả đó không chỉ có ý nghĩa với quê hương Yên Khánh mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Ninh Bình.

Kỷ niệm 30 năm tái lập huyện Yên Khánh và đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao là dịp để Đảng bộ, quân và dân Yên Khánh thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của quê hương. Thành quả đã đạt được là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Yên Khánh tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách vững bước đi lên trong chặng đường tới. Với tâm thế tràn đầy niềm tin, nghị lực và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Yên Khánh nguyện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo và truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, anh hùng, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu "Xây dựng Yên Khánh theo hướng NTM kiểu mẫu, giàu mạnh, văn minh". Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của tỉnh: Phấn đấu đến năm 2035 đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo./.

Hoàng Văn Thắng Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện
  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập