Trong những năm qua, tệ nạn ma tuý trên thế giới nói chung, ở Việt Nam
nói riêng vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cùng với
việc xuất hiện nhiều loại ma tuý mới, ma tuý đã trở thành một hiểm hoạ lớn đối
với toàn xã hội, đe doạ trực tiếp tới cuộc sống của mỗi con người, cộng đồng xã
hội. Ma túy làm huỷ hoại sức khoẻ dẫn đến mất khả năng lao động, suy thoái
giống nòi, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến kinh tế, trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Theo báo
cáo của Ủy ban quốc gia về phòng chống AIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm thì có
tới 70% các vụ án hình sự liên quan đến ma tuý và người nghiện ma tuý. Đặc biệt
ma tuý còn là nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn đến tình trạng lây nhiễm
HIV/AIDS - căn bệnh mà hiện nay chưa có thuốc chữa.
Ma túy có rất
nhiều loại như: Heroin, cần sa, ma tuý đá, thuốc lắc, viên ma túy tổng hợp...
và được các đối tượng buôn bán ngụy trang một cách tinh vi; lôi kéo người sử
dụng dẫn đến nghiện ngập. Đáng báo động, đối tượng sử dụng ma túy tập trung ở
độ tuổi thanh, thiếu niên, thậm chí đã bắt đầu trẻ hóa đến tuổi vị thành niên
và học sinh. Những kẻ buôn bán ma túy thường dụ dỗ các đối tượng học sinh, sinh
viên bằng cách cho hút không mất tiền, khi đã nghiện thì các em sẽ trở thành
công cụ để chúng kiếm tiền. Nguy hiểm hơn, một số người có quan niệm sai
lầm cho rằng sử dụng thuốc lắc hay ma túy đá, ma tuý cỏ chỉ gây hưng phấn tức
thời nhằm giải trí cho vui, chứ hoàn toàn không gây nghiện nhưng không biết
rằng ma túy có sức tàn phá ghê gớm đến sức khỏe, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội
như: Chém giết người vô cớ, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi của mình, nặng
hơn sẽ mắc bệnh tâm thần, suy kiệt cơ thể, các cơ quan nội tạng sẽ nhanh chóng
suy yếu, tàn phá hệ thống dây thần kinh, hủy hoại não bộ của con người…
Nghiện ma túy
là nguyên nhân làm gia tăng những tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự. Để có tiền
thỏa mãn cơn nghiện, người nghiện không từ một thủ đoạn, hành vi nào để kiếm
tiền; sẵn sàng thực hiện mọi hành vi phạm tội như Trộm cắp tài sản, cướp tài
sản, lừa đảo chiểm đoạt tài sản hoặc các hành vi khác nhằm mục đích kiếm tiền
mua ma túy sử dụng.
Để thiết thực
hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma tuý, ngày toàn dân phòng chống ma tuý
26/6 và để công tác phòng, chống ma túy có hiệu quả, Công an thị trấn Yên Ninh trân trọng
đề nghị toàn thể nhân dân hãy tích cực tham gia bằng các hành động thiết thực
như:
- Giáo dục
thành viên trong gia đình về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp
luật về phòng, chống ma túy.
-
Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý.
Đặc biệt đối với con em đang trong độ tuổi vị thành niên và học sinh đang đến
trường.
-
Khi phát hiện các hành vi mua bán, sử dụng ma tuý cần báo ngay cho cơ
quan công an hoặc cơ quan có thẩm quyền.
- Tham gia hỗ
trợ; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng;
phòng, chống tái nghiện.
Dưới đây
là các quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính về Ma tuý và Mại dâm
Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày
31 tháng 12 năm 2021, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh
vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và
chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể.
Điều 23. Vi phạm hành chính về phòng, chống
tệ nạn xã hội
1. Phạt cảnh
cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng
trái phép chất ma túy.
2.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi
sau đây:
a) Tàng trữ,
vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy nhưng không bị truy cứu trách
nhiệm hình sự;
b) Tàng trữ,
vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép
chất ma túy;
c) Sản xuất,
tàng trữ, vận chuyển hoặc mua, bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất
hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
3. Phạt tiền
từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc
phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy.
4.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành
vi sau đây:
a) Người đứng
đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh,
dịch vụ, người quản lý phương tiện giao thông hoặc cá nhân khác có trách nhiệm
quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, hoạt động kinh doanh
karaoke, hoạt động kinh doanh vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, các
phương tiện giao thông để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép
chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý;
b) Môi giới,
giúp sức hoặc hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
5.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành
vi sau đây:
a) Cung cấp
địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng, tàng trữ, mua, bán trái phép chất
ma túy;
b) Vi phạm các
quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá
cảnh chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất ma túy;
c) Vi phạm các
quy định về nghiên cứu, giám định, kiểm định, kiểm nghiệm, sản xuất, bảo quản,
tồn trữ chất ma túy, tiền chất ma túy;
d) Vi phạm các
quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, thuốc gây nghiện,
thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;
đ) Vi phạm các
quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, thuốc gây
nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;
e) Vi phạm các
quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc
hướng thần, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển;
g) Thực hiện
cai nghiện ma túy vượt quá phạm vi hoạt động được ghi trong giấy phép hoạt động
cai nghiện ma túy tự nguyện.
6.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho mượn, cho
thuê, chuyển nhượng hoặc sử dụng giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự
nguyện vào các mục đích khác.
7.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức cai
nghiện ma túy tự nguyện khi chưa được đăng ký hoặc cấp phép hoạt động.
8.
Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu
tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản
1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này;
b) Tước quyền
sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh
trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 và
khoản 6 Điều này;
c) Đình chỉ
hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm b và g
khoản 5 Điều này;
d) Trục xuất
người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3,
4, 5, 6 và 7 Điều này.
9.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có
được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.
Điều 24. Hành
vi mua dâm
1. Phạt tiền
từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm.
2. Phạt tiền
từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm từ 02 người trở
lên cùng một lúc.
3. Hình thức
xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật vi phạm hành chính
đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Điều 25. Hành
vi bán dâm
1. Phạt cảnh
cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi bán dâm.
2. Phạt tiền
từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho 02 người trở
lên cùng một lúc.
3. Hình thức
xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu
tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều
này;
b) Trục xuất
người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2
Điều này.
4. Biện pháp
khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có
được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Ngoài
các hình thức xử lý hành chính nêu trên, người vi phạm còn có thể bị truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Toàn dân hãy
tích cực tham gia vào việc phòng, chống, phòng chống Mại dâm và “Hãy
nói không với ma túy – Mại Dâm”, bài trừ tận gốc tội phạm, tệ nạn ma
túy, mại dâm ra khỏi cuộc sống đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân và
góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn./.