Xác định chuyển đổi số là "chìa khóa" tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) phát triển nhanh và bền vững, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tăng cường công tác hỗ trợ các HTX ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh trên thị trường…
Sản phẩm mật ong rừng Cúc Phương đã được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Khi HTX tiên phong chuyển đổi số
HTX Riti (thành phố Ninh Bình) chuyên sản xuất trà hoa cúc chi hữu cơ. Để quy trình canh tác hoa cúc chi đạt chứng nhận hữu cơ, HTX đã xây dựng xưởng sản xuất phân giun rộng 300m2 nhằm chủ động kiểm soát chất lượng và sản lượng phân bón, đáp ứng đủ cho khu vực canh tác.
Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, HTX Riti đã sử dụng hệ thống kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm kết hợp với hệ thống IoT dành cho xưởng sản xuất phân giun. Toàn bộ hệ thống thiết bị sản xuất được thông minh hóa và vận hành hoàn toàn tự động. Việc áp dụng công nghệ giúp xưởng sản xuất phân giun được kiểm soát tốt, việc nuôi giun thuận lợi hơn. HTX đã mở rộng từ nuôi 1.500 khay lên 3.000 khay, dự kiến sản lượng phân bón tăng từ 6 tấn lên 15 tấn/tháng.
Với quy trình sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ, sản phẩm trà hoa cúc chi đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện nay, thị trường tiêu thụ của HTX tiếp tục được mở rộng, được khách hàng tin dùng và là địa chỉ tin cậy cho các cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
HTX hoa, cây cảnh, nông sản Tam Điệp là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số. Năm 2020, sản phẩm Trà xanh Tâm An Nguyên của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiêu thụ sản phẩm theo cách truyền thống gặp nhiều khó khăn, HTX đã ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thay thế cho cách bán hàng truyền thống…
Thông qua các hình thức quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, cũng như qua hệ thống thương mại điện tử, khách hàng có thể ngồi tại nhà lựa chọn và đặt hàng để được giao hàng tận nơi. Đặc biệt, các sản phẩm đều có mã vạch, tem truy xuất giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ. Thông qua việc đẩy mạnh giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã giúp HTX vượt qua được giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu.
Rõ ràng, việc tiếp cận với các nền tảng thương mại điện tử đã giúp thúc đẩy tăng doanh số bán hàng cho các HTX, doanh nghiệp. Đồng thời là cơ sở quan trọng để mở rộng các kênh phân phối, giúp các chủ thể tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm cho người sản xuất. Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee…
Thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 507 HTX, 2 Liên hiệp HTX, với 337.415 thành viên. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX ổn định, doanh thu ước đạt 1.860 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân ước đạt 160 triệu đồng/ HTX/năm.
Để giúp các HTX thích ứng với việc chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong phát triển HTX cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về KTTT, HTX các cấp, cán bộ chủ chốt, thành viên của HTX. Đồng thời, tổ chức các chuyên đề, hội thảo về chuyển đổi số; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình HTX trong và ngoài tỉnh thực hiện chuyển đổi số thành công.
Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để HTX thật sự phát huy vai trò cầu nối, dẫn dắt thành viên trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2023, Liên minh HTX tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai giải pháp quản lý sản xuất, kết nối thị trường phục vụ chuyển đổi số cho 4 HTX. Đây là công cụ giúp HTX tuân thủ tốt hơn các quy định trong quản lý nội bộ HTX, quy trình sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường; phối hợp tổ chức tập huấn cho trên 1.000 lượt học viên, là đối tượng cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong HTX về quản trị HTX, kê khai thuế điện tử, kỹ năng điện tử, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, ứng dụng chuyển đổi số... Sản phẩm của các HTX tiếp tục được quan tâm, giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên các kênh thông tin, tuyên truyền.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 336 HTX (khoảng 70%) đã ứng dụng công nghệ số vào một trong các hoạt động quản lý, sản xuất hoặc quảng bá sản phẩm. Trong đó, có khoảng 50% HTX ứng dụng trong hoạt động quản lý, điều hành như: sử dụng chữ ký số, phần mềm kế toán…; khoảng 30% HTX ứng dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook… cho hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; khoảng 20% HTX ứng dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc như thiết bị IoT điều hành tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, thiết bị sản xuất chế biến theo mô hình chuỗi và sử dụng các phần mềm quản lý truy xuất nguồn gốc...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc chuyển đổi số trong HTX hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, rào cản lớn nhất là năng lực, trình độ của cán bộ quản lý HTX nói chung còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Do đó, quá trình chuyển đổi số trong khu vực KTTT mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn tỉnh đang diễn ra khá chậm, quy mô đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ không cao, đơn giản.
Phần lớn các HTX đều có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu nên gặp khó trong việc phát triển thị trường. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Thực tế lực lượng lao động tại các HTX chủ yếu làm việc theo phương thức truyền nghề, thực hành tại chỗ.
Với HTX nông nghiệp, tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ đại học chỉ chiếm 2%; trung cấp và cao đẳng chiếm gần 30%, còn lại chưa qua đào tạo nghề. Lực lượng lao động nhìn chung vẫn còn thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc, thiếu kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số như tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh...
Để tháo gỡ khó khăn trên, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đổi mới hoạt động, bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của HTX trong hoạt động chuyển đổi số để phản ánh đến các sở, ngành có liên quan và UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp.
Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức, tư vấn phương án chuyển đổi số phù hợp cho các HTX: xây dựng và nhân rộng một số mô hình HTX chuyển đổi số hiệu quả. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các mô hình chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và sản phẩm của các HTX nông nghiệp, như ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn thực phẩm... Triển khai thí điểm các mô hình HTX ứng dụng công nghệ số để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình.