Số
ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu vượt mức 38 triệu
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận
275.232 trường hợp mắc COVID-19 và 3.756 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus
SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 38 triệu người.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến
9h30 sáng 13/10 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng
38.031.667 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19,
trong đó có 1.085.151 ca tử vong. Có hơn 28,59 triệu bệnh nhân hồi phục, tuy
nhiên vẫn còn khoảng 1% số bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tích cực.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213
quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 12/10, thế giới có tới 143 quốc gia và vùng
lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 94 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong
vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước
trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng
nề nhất với 8.037.789 ca mắc và 220.011 ca tử vong.
Giới chức thành phố New York, cuối tuần vừa qua
đã thu được 150.000 USD tiền phạt và triệu tập 62 trường hợp không tuân thủ
lệnh mới của bang hạn chế tụ tập, bắt buộc đeo khẩu trang và giữ giãn cách xã
hội để đề phòng nguy cơ bùng phát lại bệnh COVID-19.
Thành phố New York hiện vẫn đang phải vật lộn
với cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 sau khi trở thành tâm dịch của cả nước
Mỹ và thế giới hồi tháng Ba năm nay.
Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có kết
quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong nhiều ngày liên tiếp. Bác sĩ
của Nhà Trắng Sean Conley thông báo ông Trump không có nguy cơ lây bệnh cho
người khác. Ông Trump đã nối lại chiến dịch vận động tranh cử, bắt đầu với cuộc
mít tinh tại thành phố Sanford, thuộc bang Florida. Đây là cuộc vận động tranh
cử đầu tiên của Tổng thống Trump kể từ khi chiến dịch này bị gián đoạn hôm
2/10, thời điểm ông thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus
SARS-CoV-2. Trong khi đó, nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống Mỹ
đảng Dân chủ Joe Biden thông báo ông Biden đã có kết quả xét nghiệm âm tính với
virus SARS-CoV-2.
Xét về số ca tử vong, xếp sau Mỹ là Brazil với
150.709 ca trong số 5.103.408 ca mắc, Ấn Độ 109.894 ca trong số 7.173.565 ca
mắc, Mexico với 83.781 ca trong số 817.503 ca mắc và Anh với 42.875 ca trong số
617.688 ca mắc.
Dịch đang chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang
diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Châu Âu hiện đối mặt với vòng xoáy
dịch bệnh mới.
Nga là quốc gia đứng thứ tư thế giới, nhưng đứng
đầu châu Âu về số ca nhiễm với hơn 1,3 triệu ca. Các nước có số ca mắc cao tại
châu Âu sau Nga là Tây Ban Nha (918.223 ca), Pháp (743.479) và Anh (617.688
ca). Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết không loại trừ khả năng phong tỏa cục
bộ tại Pháp. Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ áp đặt bổ sung biện pháp
hạn chế ở cấp độ 3 tại nhiều khu vực của England để phòng dịch.
Đức triển khai 15.000 binh sĩ hỗ trợ chống
COVID-19
Bộ Quốc phòng Đức ngày 12/10 thông báo sẽ triển
khai tối đa 15.000 binh sĩ để tăng cường hỗ trợ các lực lượng dân sự vốn đang
quá dàn trải cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới đã tăng
lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Đức là một trong số quốc gia châu Âu đã kiểm
soát khá tốt đại dịch so với một số nước láng giềng. Tuy nhiên, trong vài tuần
qua, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh với trên 4.000 ca nhiễm mới/ngày, đặc biệt là
ở các thành phố lớn như Berlin, Frankfurt... Chính phủ Đức đã cảnh báo tình
hình có nguy cơ vượt tầm kiểm soát ở các địa phương, đặc biệt trong việc phân
bổ lực lượng truy vết tiếp xúc với những người đã nhiễm bệnh.
Cho tới lúc này, quân đội Đức đã triển khai
khoảng 1.300 binh sĩ để hỗ trợ chính quyền các địa phương và tổng số binh sĩ
được huy động có thể lên tới 15.000 người. Bộ Quốc phòng cho đến nay cũng đã
nhận được khoảng 1.000 đề nghị hỗ trợ từ các chính quyền địa phương.
Trong 24 giờ qua, nước Đức đã ghi nhận 4.803 ca
nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên 331.094 ca. Trừ các trường hợp khỏi bệnh, số
ca hiện còn nhiễm bệnh là 44.473 người.
Theo Chinhphu.vn