Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau được các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh coi là chìa khóa nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Trong những năm qua, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Các nội dung chủ yếu của cải cách TTHC tập trung vào rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả của Trung tâm Phục vụ hành chính công, tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Để thực hiện cải cách TTHC, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện thường xuyên quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin.
Trong đó, một số đơn vị đã mua sắm, đầu tư các thiết bị đảm bảo an toàn thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị: 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ LAN được kết nối thông suốt. Đây là cơ sở quan trọng để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước. Các cấp, các ngành trong tỉnh cũng bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực, trách nhiệm để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp nhận, xử lý các TTHC đảm bảo nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định.
Hiệu quả rõ nét trong việc cải cách TTHC phải kể đến việc các ngành, các cấp đã chủ động rà soát, đánh giá một số thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 15/1/2021 của UBND tỉnh để kịp thời phát hiện và đề xuất, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ những quy định về TTHC không cần thiết, không phù hợp, không bảo đảm tính đồng bộ, rườm rà, phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, không quy định rõ cơ quan, đơn vị thực hiện, thời gian giải quyết, số lượng hồ sơ, cách thức thực hiện gây khó khăn.
Kết quả, trong năm 2021, toàn tỉnh đã rà soát, đánh giá 299 TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan Trung ương và thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, UBND cấp huyện. Cụ thể: cấp tỉnh 278 TTHC thuộc 45 lĩnh vực; cấp huyện 21 TTHC, thuộc 8 lĩnh vực. Để cải cách TTHC đạt hiệu quả cao nhất, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, rà soát, chuẩn hóa, xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC theo quy định. Đặc biệt, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được triển khai và hoạt động ổn định, hiệu quả tại 21 sở, ban, ngành, bao gồm 18 đơn vị cấp tỉnh và Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh; 8 UBND cấp huyện và 143 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.574 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Trong đó: Các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh cung cấp 1.538 dịch vụ (270 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đạt 14,06%; 1.209 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt 62,9%); các đơn vị ngành dọc cấp tỉnh cung cấp 36 dịch vụ. Bên cạnh đó, 100% TTHC của tỉnh đã được cập nhật, chuẩn hóa, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; 100% quy trình giải quyết TTHC của tỉnh đã được tin học hóa cung cấp công khai trên Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh. Tích hợp, công khai 768 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong năm 2021, trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã tiếp nhận 461.479 hồ sơ, giải quyết 456.202 hồ sơ, đạt 98,8%. Đồng thời, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện tốt việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 68.827 hồ sơ thực hiện TTHC, trong đó số lượng hồ sơ TTHC tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 28.412 hồ sơ, chiếm 41,28%; tổng số hồ sơ TTHC đã giải quyết, trả kết quả giải quyết đúng hạn và trước hạn là 68.100 hồ sơ TTHC cho tổ chức và công dân, đạt 99,95%. Trong năm 2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhận được 15.910 ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, công dân khi đến giải quyết TTHC tại Trung tâm, trong đó có 15.365 ý kiến đánh giá rất hài lòng (chiếm 96,57%) và 545 ý kiến đánh giá hài lòng (chiếm 3,43%). Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai lắp đặt và vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) trên cơ sở tích hợp, phân tích dữ liệu từ các hệ thống thông tin sẵn có và phát triển hệ thống thông tin mới, tiến tới phục vụ điều hành, giám sát các lĩnh vực.